Công ty Năng lượng Thông minh Minh Dương đã lắp đặt thành công turbine gió 20 MW vào ngày 28/8, theo thông tin từ Interesting Engineering. Được thiết kế để hoạt động tốt trong điều kiện gió từ trung bình đến mạnh, turbine này có khả năng chống chịu tốc độ gió lên tới 79,8 m/s và chịu được bão cấp 17 – một lợi thế lớn ở những khu vực thường xuyên có bão như Trung Quốc.
Với biên độ công suất linh hoạt từ 18 đến 20 MW, turbine MySE 18.X-20 MW sở hữu thiết kế dạng module siêu nhẹ, tích hợp máy phát điện, hộp số và các bộ phận quan trọng khác trong một vỏ hộp nhỏ gọn. Turbine có đường kính rotor từ 260 đến 292 m, giúp đạt diện tích quét lên đến kích thước của 9 sân bóng đá, tối ưu hóa khả năng sản xuất năng lượng.
Mỗi năm, turbine khổng lồ này có thể sản xuất khoảng 80 triệu kWh điện khi vận hành ở tốc độ gió trung bình 8,5 m/s, tương đương giảm thiểu được 66.000 tấn khí thải CO2 và cung cấp điện cho khoảng 96.000 hộ gia đình. Thiết kế của turbine cũng được tối ưu hóa để dễ dàng vận chuyển, lắp đặt và hoạt động trong các vùng biển sâu, với khả năng chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Trong bối cảnh thế giới đang giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo như gió và mặt trời ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện toàn cầu. Các turbine gió, nhờ khả năng cung cấp điện ổn định ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu, đang trở thành tâm điểm của cuộc đua công nghệ năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, Công ty Điện lực Đông Phương (Dongfang Electric) đã tạo dấu ấn trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi hồi tháng 6 khi lắp đặt turbine 18 MW với đường kính rotor 260 m, có khả năng sản xuất 72 triệu kWh điện mỗi năm. Minh Dương cũng đang lên kế hoạch phát triển turbine có công suất lớn hơn, lên tới 22 MW với đường kính rotor hơn 305 m, dự kiến sẽ có nguyên mẫu sẵn sàng vào năm 2025. Những cải tiến này trở nên khả thi nhờ vào công nghệ sợi carbon siêu nhẹ, mang lại hiệu suất cao và chi phí thấp hơn trong quá trình sản xuất và vận hành.