Sợ hãi cảm giác khi phải tạm biệt những bé cún, bé mèo yêu thương của mình sau nhiều năm chung sống? Vậy thì tại sao bạn không thử nuôi rùa. Một bình luận nghe như đùa nhưng không thể hợp lý hơn. Thật sự thì đúng là vậy, ai cũng biết rùa sống rất lâu nhưng cụ thể thì lâu đến mức nào thì hãy cùng ShortLink khám phá trong bài viết sau nhé.
Tuổi thọ của Rùa ư? Bạn biết đến sẽ phải thốt lên Wow cho mà xem
Rùa là một loài động vật phổ biến và chúng cũng không phải động vật quá quý hiếm nhưng tuổi thọ của chúng thật sự là hiếm có khó tìm, bởi không phải loài động vật nào cũng có thể sống lâu và sống dai như thế.
Có một sự thật đó là không phải mọi loại rùa đều có thể sống đến 100 tuổi như bạn nghĩ đâu. Mà nó còn tùy thuộc vào giống loại và nhiều yếu tố mà có thể sống lâu hơn hay dưới mức này. Theo như PetMD thì trung bình các loại rùa biển đều sống ở mức 40 năm tuổi. Nhưng với những loài rùa sống trên cạn thì có thể dao động 50 – 100 năm. Riêng đối với rùa cảnh nuôi làm thú cưng thì tuổi thọ của những loại này thường rơi vào các mức sau:
- Red-eared slider: 25-35 năm
- Map turtle: 15-25 năm
- Wood turtle: 40-55 năm
- Eastern box turtle: 50 năm hơn
- Painted turtle: 25 tới 30 năm
- Russian tortoise: 40 năm hoặc hơn
- Greek tortoise: 100 năm hoặc hơn
- Leopard tortoise: 100 năm hơn
Đấy đáng sợ chưa nào. Bạn có thể chưa chắc sống đến hơn 100 năm tuổi nhưng tụi nó thì có thể đấy. Con rùa già nhất hiện nay còn sống được ghi nhận thì vừa bước sang tuổi 190. Tên của nó là Jonathan, một con rùa khổng lồ Seychelles sống trong một hòn đảo thuộc lãnh thổ St. Helena của Anh. Nó đã phá vỡ kỷ lục của một con rùa khác trước đó là Tu’i Malila 188 tuổi, thuộc giống rùa Madagascar sống từ 1777 đến tận năm 1965.
Thế quái nào mà tụi nó lại có thể sống lâu khủng khiếp như thế?
Bí mật nằm ở đây!
Bí mật vì sao loài rùa có tuổi thọ lâu đến ngạc nhiên
Những gì bạn từng nghe về Rùa là gì? Đó là chúng rất chậm chạp. Yes, chính xác rồi đó. Chúng có quá trình trao đổi chất thuộc hàng siêu chậm hơn so với những loài động vật khác. Điều này có nghĩa là chúng không sử dụng nhiều năng lượng như con người. Thay vào đó, cơ thể chúng hoạt động với tốc độ chậm hơn nhiều. Chúng không ăn nhiều như các loài động vật khác, và tiêu hóa thức ăn cực chậm.
Hơn hết, nhịp tim của rùa cũng cực kỳ chậm, trung bình một con rùa chỉ có 25 nhịp một phút. Rùa cũng có thể chuyển sang trạng thái gọi là ngủ đông. Về lý thuyết, khoảng thời gian nghỉ ngơi này được cho là có tác dụng kéo dài tuổi thọ của chúng, giúp ổn định các chức năng cơ thể bằng cách làm chúng chậm lại.
Trong khi loài người chúng ta 18 tuổi là đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật và được xem là trưởng thành thì độ tuổi trưởng thành của loài rùa và sẵn sàng sinh sản lại ở tuổi 25 – 35 tuổi. Kinh khủng hơn là không giống với các loài sinh vật khác, rùa là động vật có khả năng sinh sản cho đến ngày chúng nhắm mắt lìa đời và không bao giờ trải qua cái gọi là thời mãn kinh.
Ngoài ra Rùa, đặc biệt là các loài như Rùa biển còn có gen giúp miễn dịch với mầm bệnh. Điều này giúp chúng có sức đề kháng tốt hơn trước bệnh tật và kéo dài tuổi thọ hơn nữa. Chúng cũng có nhiều lớp bảo vệ chống lại mầm bệnh, với lớp da dày đóng vai trò là rào cản ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật. Thêm vào đó, rùa có có một lượng lớn tế bào bạch cầu bảo vệ chúng khỏi ký sinh trùng và nhiễm trùng. Tất cả những yếu tố này giúp rùa sống lâu hơn những sinh vật khác có hệ miễn dịch yếu hơn.
Nói thì nói vui như thế, việc nuôi rùa để làm thú cưng cần phải cân nhắc kỹ. Bạn nuôi chó mèo thì không sao tuy nhiên bạn sẽ bị phạt thậm chí có nguy cơ bóc lịch mỏi tay nếu như mua và nuôi trúng một trong những loài rùa bị liệt vào hàng cấm bán tại Việt Nam. Những cái tên nổi cộm mà bạn cần tránh xa đó là rùa núi vàng, rùa ba gờ và rùa sa nhân, rùa đất Speng lơ, rùa đất Sê-pôn, rùa đầu to… Đây đều là những cá thể rùa quý hiếm và bị liệt vào hàng sách đỏ đấy.