Để có thể tận dụng và phát huy được tối đa sức mạnh của nền tảng MarTech tại doanh nghiệp thì mấu chốt quan trọng chính là lựa chọn các công cụ và phần mềm thích hợp để đưa vào nền tảng.
Thực sự thì đôi khi đây là một công việc quá sức đối với bộ phận Marketing của bạn, đặc biệt là khi có đến hàng chục nghìn công cụ khác nhau có sẵn trên thị trường. Chính vì thế trong bài viết sau ShortLink sẽ giúp bạn có thể chọn được cho mình những công cụ đắc lực tối ưu nhất cho nền tảng MarTech của mình.
Các công cụ, giải pháp phần mềm tiếp thị (Marketing Tool/ Marketing Software) là gì?
Định nghĩa đơn giản nhất đó là các công cụ, phần mềm, giải pháp công nghệ trực tuyến giúp bộ phận Marketing có thể chuẩn hóa quy trình, tự động hóa giao tiếp với khách hàng, đối chiếu dữ liệu thị trường theo thời gian thực, lập kế hoạch và lên lịch hoạt động cho các chiến dịch marketing của mình.
Những công cụ, phần mềm, giải pháp này sẽ hướng tới việc giúp cho bộ phận Marketing nâng cao hiệu suất làm việc, cắt giảm tối đa các quy trình không hiệu quả và thực hiện các hoạt động tiếp thị hàng ngày một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được nhiều công sức hơn mà không lo bị miss (bỏ lỡ) dữ liệu hay sai sót.
Hầu hết các công ty sẽ sử dụng một số công cụ tiếp thị để giải quyết các nhu cầu khác nhau. Chẳng hạn như có bộ phận Marketing sẽ sử dụng một công cụ để giúp họ lên lịch gửi bản tin qua email tự động, tuy nhiên bộ phận khác lại sử dụng một công cụ khác để tối ưu hóa nội dung cho SEO.
Tại sao các công cụ phần mềm tiếp thị quan trọng?
Các công cụ tiếp thị trong thời điểm hiện tại đóng một vai trò vô cùng quan trọng vì chúng giúp các Marketer mở rộng phạm vi tiếp thị, tìm kiếm và chuyển đổi nhiều người thành khách hàng hơn.
Ngoài ra các giải pháp phần mềm, công nghệ trực tuyến còn giúp họ có thể tối đa hóa thời gian và nguồn lực bằng cách cung cấp nhiều thông tin về đối tượng mục tiêu, kênh nào sử dụng hiệu quả , chiến dịch nào hiệu quả nhất, duy trì mối quan hệ với khách hàng, phân tích truyền thông xã hội đến tự động hóa, … Tất cả đều đóng góp đáng kể cho sự thành công lâu dài.
Một điểm cần lưu ý đó là các công cụ, phần mềm, giải pháp công nghệ marketing của một nền tảng MarTech nào đó sẽ thùy thuộc vào nhu cầu, quy mô của công ty đó, kênh họ chọn sử dụng để tiếp cận khách hàng. Một tổ chức nhỏ rất có thể sẽ có thể chỉ cần một vài công cụ tiếp thị trong khi một tổ chức lớn hơn có thể cần nhiều nhóm công cụ khác nhau phối hợp để có thể đáp ứng cho các hoạt động ở phạm vị rộng hơn.
Phòng Marketing của bạn sẽ cần có những công cụ tiếp thị phổ biến nào?
- Social media management tools: Đây là một nhóm các công cụ giúp các Marketer có thể lập kế hoạch, tìm nội dung để chia sẻ, lên lịch đăng bài để tiếp cận nhiều người xem nhất hoặc hiểu rõ hơn về hiệu quả của các chiến dịch truyền thông xã hội.
- Business intelligence tools: Trước khi thiết kế một chiến dịch Marketing nào đó, các Marketer sẽ cần phải hiểu rõ về đặc điểm, hành vi và mong muốn của khách hàng càng sâu càng tốt. Các công cụ, giải pháp này sẽ cung cấp cho bạn chi tiết dữ liệu hành vi của khách hàng qua đó cho phép bộ phận Marketing có thể bám sát mục tiêu hơn, hiểu rõ hơn và từ đó khởi động các chiến dịch hiệu quả hơn.
- Customer relationship management (CRM) tools: Việc nắm bắt thông tin khách hàng và dữ liệu về lịch sử mua hàng giúp việc tiếp cận khách hàng ở các chiến dịch kế tiếp sẽ tốt hơn. Các công cụ CRM sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn có thể làm được điều này. Ngoài ra chúng còn có tính năng nhắn tin chủ động, tự động hóa giao tiếp tạo ra sự tương tác liền mạch giữa tất cả các nhóm làm việc với khách hàng.
- Automation tools: Các công cụ tự động hóa tiếp thị là nền tảng phần mềm tự động hóa và đo lường các hoạt động marketing trên nhiều kênh từ email đến website, landing page, …
- SEO Tools: Đây là nhóm các công cụ giúp các Marketer có thể tối ưu công cụ tìm kiếm là một yếu tố quan trọng trong việc tăng lưu lượng tìm kiếm không phải trả tiền vào trang web của bạn. Các công cụ giúp bạn xác định chính xác từ khóa cần nhắm mục tiêu thực sự có giá trị.
- Email Marketing Tools: Tiếp thị qua Email là một cách tuyệt vời để thu hút khách hàng tiềm năng đặc biệt nhóm B2B, các nhóm công cụ này sẽ giúp các Marketer có thể nhắm mục tiêu, cá nhân hóa email, lên lịch nội dung cho email nhanh chóng và hiệu quả. Song song đó là đo lường kết quả thu được.
- Marketing project management tools: Đây là một nhóm công cụ, giải pháp phần mềm giúp bộ phận Marketing có thể quản lý toàn bộ chiến dịch và dự án một cách dễ dàng. Những phần mềm quản lý dự án tiếp thị sẽ cung cấp cho người quản lý sự hiển thị chi tiết giữa các dự án và cho phép họ phân công nhiệm vụ cho các viên trong nhóm nhanh chóng. Bên cạnh đó cũng đánh giá chính xác và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả hơn.
- Team collaboration and communication tools: Giao tiếp và cộng tác rất quan trọng đối với bất kỳ nhóm marketing nào đang làm việc. Các công cụ này thường sẽ tích hợp cả email, tính năng trò chuyện cho phép cộng tác theo thời gian thực và trò chuyện riêng lẻ hoặc nhóm giúp cho việc tương tác trở nên nhanh hiệu quả hơn và cập nhật thông tin nhanh chóng.
- Analytics tools: Đây là nhóm các công cụ có vài trò vô cùng quan trọng, chúng cung cấp những thông tin nòng cốt được thiết kế sẵn tự động giúp các Marketer có thể có được một người tư vấn hiệu quả trước khi đưa ra một quyết định, chiến lược chiến dịch nào đó.
Nếu được vận dụng tốt sẽ giúp tăng cường giữ chân khách hàng tiềm năng, phát triển và tăng chuyển đổi khách hàng thông qua việc phân tích hành vi, lưu lượng truy cập và thậm chí cả nghiên cứu sở thích khách hàng, qua đó giúp tối đa hóa ngân sách và thời gian thử nghiệm.
Top những phần mềm, công cụ marketing tốt nhất hiện nay cho nền tảng MarTech mà bạn không nên bỏ qua
Với hơn 10.000 công cụ, giải pháp công nghệ Marketing như hiện nay thì việc chọn các phần mềm để đưa vào nền tảng MarTech của mình là không hề dễ dàng. Chọn sai công cụ có thể khiến cho nhóm marketing/ doanh nghiệp của bạn tốn nhiều thời gian lẫn tiền bạc.
Đó là lý do vì sao mà Shortlink đã tổng hợp sẵn một số công cụ và phần mềm tiếp thị phổ biến được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay để bạn có thể bắt đầu xây dựng nền tảng hệ thống MarTech phù hợp cho công ty của mình.
Social media management tools
Hơn 3,6 tỷ người sử dụng các mạng xã hội như Facebook, instagram, Twitter, Tiktok, … trên toàn cầu đã cho thấy được tầm quan trọng của việc phát triển các chiến dịch tiếp thị trên các nền tảng Social Media. Và hiển nhiên đi kèm theo đó bạn sẽ cần phải có một trợ lý đắc lực hỗ trợ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức nhất có thể trong việc quản lý chiến dịch trên các nền tảng này.
Các công cụ này sẽ giúp bạn lập kế hoạch, tối ưu hóa nội dung và tối đa hóa mức độ tương tác, tiếp cận đối tượng một cách tỉ mỉ, tự động nhất để thúc đẩy việc xây dựng nhận thức thương hiệu, thông qua đó thúc đẩy về doanh số bán hàng.
Dưới đây là các công cụ Social Media Management Tools mà bạn có thể cân nhắc chọn lựa:
- Buffer: Nền tảng ứng dụng này cho phép các Marketer có thể lên lịch xuất bản nội dung trên các kênh mạng xã hội gồm: Instagram, Facebook, Twitter, Pinterest, và LinkedIn. Đối với tài khoản doanh nghiệp nó cũng cung cấp các phân tích tích hợp có thể giúp bạn đi sâu vào mức độ tương tác thành công của từng bài đăng. Buff phù hợp cho các công ty nhỏ đến vừa, phiên bản miễn phí cung cấp khá nhiều tính năng.
- Sprout Social: Một tùy chọn khác đó là Sprout Social, nền tảng này cũng cho phép bạn lên lịch đăng bài, quản lý tài khoản và phân tích hiệu suất trên nhiều kênh truyền thông xã hội. Sprout Social cũng cung cấp tính năng khám phá đối tượng và quản lý quan hệ khách hàng. Nền tảng này đã trở thành sự lựa chọn phổ biến của nhiều doanh nghiệp vừa và lớn.
- HootSuite: Với hơn 16 triệu người dùng trên 175 quốc gia thì không phải bàn cãi về mức độ uy tín và chất lượng của nền tảng quản lý mạng xã hội này. HootSuite cho phép các Marketer có thể lên lịch và chia sẻ các bài đăng cũng như theo dõi nguồn cấp dữ liệu. HootSuite cũng cho phép người dùng dùng thử với gói miễn phí lên lịch tối đa 30 bài đăng 1 tháng cho 3 kênh mạng xã hội. Bạn có thể thử dùng đánh giá trước khi quyết định chọn lựa, rất tuyệt vời đúng không.
Business intelligence tools
Để có thể cạnh tranh trong thời điểm hiện tại thì việc hiểu khách hàng của bạn sâu sắc sẽ là mấu chốt giúp các Marketer có thể đưa các chiến lược, chiến dịch “bén” nhất, nhắm trúng đích. Chính vì thế mà đây là nhóm công cụ, giải pháp công nghệ mà doanh nghiệp của bạn nhất định phải có. Nó sẽ giúp bạn có thể đưa ra các quyết định nhanh hơn, sáng suốt hơn trong việc đưa ra các ý tưởng tiếp thị. Thậm chí nó còn cung cấp cả thông tin chi tiết về đối thủ cạnh tranh.
Dưới đây là một số ứng dụng Business Intelligence mà bạn không nên bỏ qua:
- Tableau: Đây là một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất hiện nay, nền tảng này sẽ giúp các Marketer có thể nhanh chóng đưa dữ liệu đối chiếu phân tích vào một bảng điều khiển đơn giản, qua đó sẽ có thể nắm bắt nhanh xu hướng và hành vi của khách hàng một cách dễ dàng. Tableau cung cấp phân tích thời gian thực và có thể kết hợp với các luồng dữ liệu khác nhau để phân tích chuyên sâu.
- Sisense: Đây là công cụ khác giúp phân tích dữ liệu kinh doanh tuyệt vời, ưu điểm nổi bật đó Sisense cung cấp các phân tích, báo cáo với hình ảnh trực quan mà bất kỳ một nhà tiếp thị nào cũng có thể dễ dàng hiểu được, bất kể mức độ nào. Sisense được thiết kế để có thể mở rộng và xử lý các tệp dữ liệu lớn nên phù hợp cho cả doanh nghiệp nhỏ, vừa đến lớn.
- Looker: Với công cụ này người dùng có thể dễ dàng xem trực quan hóa dữ liệu một cách dễ dàng. Các báo cáo hiển thị chi tiết xu hướng, mức độ tương tác và hành vi bằng nhiều loại biểu đồ và đồ họa khác nhau theo ý thích của mình.
Content and asset management tools
Quản lý nội dung và các tài sản tiếp thị khác nhau trong bộ phận Marketing là một nhiệm vụ bắt buộc. Nếu như không có một giải pháp, một công cụ hay quy trình tinh gọn nhóm của bạn sẽ có thể lãng phí thời gian đáng kể để tìm kiếm từng hình ảnh hoặc tệp được lưu trữ rải rác ở nhiều nơi khác nhau.
Dưới đây là một loạt các công cụ, giải pháp công nghệ quản lý nội dung được yêu thích nhất hiện nay.
- WordPress: Đây là một công cụ cực hữu ích cho bộ phận Marketing khi quản lý trang web và sáng tạo nội dung. CMS của nền tảng này dễ dàng tích hợp với nhiều ứng dụng hầu như có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu tiếp thị, đặc biệt là không đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về code.
- Mediavalet: Đây là một giải pháp phần mềm quản lý các tài sản kỹ thuật số dựa trên đám mây, chính vì thế mà có tính linh động cực cao, bạn có thể xem trước và lưu trữ hơn 200 loại file định dạng khác nhau. Nền tảng này cũng tích hợp dễ dàng với các công cụ khác như WordPress, Wrike và HootSuite giúp chuẩn hóa quy trình sáng tạo nội dung cho khách hàng.
- Canto: Đây là một giải pháp phần mềm có tuổi đời khá lâu và giúp các Marketer có thể dễ dàng lưu trữ, sắp xếp và tận dụng tối ưu các tài nguyên kỹ thuật số. Với Canto, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các nội dung, xem trước và chỉnh sửa chúng sau đó chia sẻ theo nhiều cách: Qua email, đến nền tảng truyền thông mạng xã hội khác.
Customer relationship management (CRM) tools
Về hiệu quả cũng như những giá trị lợi ích của nhóm công cụ này thì không cần phải bàn cãi. Với những công cụ CRM bạn hoàn toàn có thể dễ dàng duy trì mối quan hệ với hàng trăm thậm chí hàng nghìn, hàng triệu khách hàng, nuôi dưỡng và dần biến họ thành doanh thu lợi nhuận của mình. Các công cụ này sẽ giúp các Marketer có thể dễ dàng xác định, nhắm mục tiêu, cá nhân hóa, tăng chuyển đổi khách hàng bằng cách kết nối với nhiều công cụ truyền thông đa dạng khác nhau.
Dưới đây là top các CRM mà bạn có thể suy nghĩ và cân nhắc sử dụng:
- Intercom: Đây là một ứng dụng rất đáng để bạn phải chú ý. Intercom cho phép các thành viên trong nhóm Marketing của bạn có thể dễ dàng liên lạc trực tiếp với khách hàng cụ thể vào đúng thời điểm dựa vào hành vi mua hàng hoặc nhân khẩu học của họ. Intercom cũng cung cấp các tính năng trò chuyện tự động dựa trên AI được tích hợp vào các trang web, tạo cơ hội hỗ trợ thêm cho việc tối ưu và chuyển đổi khách hàng.
- HubSpot: Đây là một nền tảng CRM rất nổi tiếng được khá nhiều người biết đến. HubSpot cũng cung cấp CMS cho người dùng để xây dựng và lưu trữ trang web cũng như tạo và quản lý các landing page.
- Zendesk: Đây là công cụ hỗ trợ khách hàng dựa trên đám mây giúp các thành viên trong một nhóm Marketing giao tiếp được với khách hàng trên nhiều kênh, từ các nền tảng mạng xã hội cho đến email, hay hệ thống bán hàng trên website. Zendesk cũng tích hợp tính năng chat tự động giúp các Marketer tự động hóa được việc quản lý và trả lời các câu hỏi thường gặp của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ.\
Marketing automation tools
Các công cụ tự động hóa tiếp thị đang ngày càng phát triển mạnh mẽ . Trong 1 khảo sát mới nhất thì có đến 51% công ty hiện nay sử dụng một vài công cụ nhất định trong quy trình vận hành hàng ngày của mình. Những công cụ này cho phép các Marketer có thể giao tiếp thường xuyên và hiệu quả hơn. Thật đáng tiếc nếu như bạn qua nhóm công cụ thần thánh này.
Dưới đây là top các Marketing Automation Tools mà bạn nên xem xét cho vào nền tảng MarTech.
- Active Campaign: Công cụ này sẽ tạo ra các chức năng giao tiếp tự động cho khách hàng tùy thuộc vào hành vi của họ trên trang web của bạn. Đó là một trợ thủ tuyệt vời giúp bạn tạo ra các chu trình tự động như theo dõi email, nhắc nhở giỏ hàng bị bỏ quên và cá nhân hóa. Chính điểm này nó sẽ giúp bạn tăng thêm nhiều chuyển đổi và tối ưu hóa dữ liệu khách hàng có được.
- Adobe Marketo: Đây là một công cụ tự động hóa marketing giúp các nhà tiếp thị có thể hiểu sâu hơn về khách hàng truy cập website của mình sau đó sẽ hỗ trợ bạn thiết kế các chiến dịch tự động giúp nâng cao tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng. Marketo được xây dựng dựa trên phần mềm Google Cloud và được tích hợp nhiều tính năng của Google.
SEO tools
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là một phần quan trọng ở bất kỳ bộ phận Marketing nào. Chính vì thế mà bạn cần phải sử dụng các công cụ hỗ trợ để có thể đảm bảo nhắm mục tiêu đúng từ khóa, tối ưu hóa chính xác quảng cáo, đặt chúng ở vị trí hợp lý, khoa học. Qua đó góp phần tăng thứ hạng và thu hút nhiều lượt truy cập tự nhiên hơn vào website của bạn.
Dưới đây là các SEO tools phổ biến và nổi đình nổi đám nhất hiện nay mà bạn nhất định phải thử:
- Ahrefs: Đây là một nền tảng, công cụ SEO giúp bộ phận Marketing có thể check backlink, từ khóa và thứ hạng của mình thậm chí của đối thủ. Bạn cũng có thể sử dụng Ahrefs để tìm hiểu những từ khóa nào công ty của bạn nên tối ưu hóa trên Google, Amazon, Youtube.
- Google Search Console: Đây là công cụ hoàn toàn miễn phí mà Google cung cấp cho các Marketer hoặc SEOer có thể theo dõi hiệu suất tìm kiếm trong chỉ mục tìm kiếm của Google. Bạn sẽ có thể dễ dàng biết được những web nào đang liên kết đến trang web của bạn và nhận thông báo khi trang web của bị đánh dấu là Spam.
- SEMrush: Đây là công cụ hỗ trợ SEO khác giúp bạn có thể theo dõi các trang web và tối ưu kết quả thứ hạng tìm kiếm. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ khác như quản lý các chiến dịch quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột và các chiến dịch truyền thông mạng xã hội, SEMrush còn có thể kiểm tra các trang web của bạn để tìm thấy cơ hội tăng thứ hạng từ khóa SEO, kích thích tăng trưởng lưu lượng truy cập tự nhiên.
Email marketing tools
Tiếp thị qua Email là một trong những hình thức tiếp thị dễ dàng đo lường và chi phí thì vô cùng hạt dẻ. Với sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ Email Marketing, những công cụ này sẽ giúp bạn có thể dễ dàng tiếp cận được đúng khách hàng hơn cũng như theo dõi hành vi của họ qua đó tăng tỷ lệ chuyển đổi cũng như tương tác giao tiếp với khách hàng.
Dưới đây là các công cụ Email Marketing mà bạn có thể cho vào nền tảng MarTech của mình
- Mailchimp: Đây là một trong những công cụ tiếp thị qua Email nổi tiếng nhất hiện nay, Mailchimp có hơn 11 triệu người dùng trên toàn thế giới. Công cụ này cung cấp cho bạn các tính năng đa dạng từ thiết kế, lên lịch đến gửi Email hàng loạt và tối ưu hóa thời gian bằng thử nghiệm A/B. Mailchimp cũng cho phép các nhà tiếp thị gửi email miễn phí đến hơn 10.000 người dùng mỗi tháng khiến nó trở thành nền tảng hấp dẫn cho các công ty mới thành lập.
- Sender: Một lựa chọn khác bạn có thể cân nhắc đó chính là Sender. Đây là nền tảng marketing email có giao diện đơn giản nhưng tích hợp tính năng phân tích mạnh mẽ giúp bạn có thể giúp bạn xây dựng hồ sơ người mua để nhắm mục tiêu.
- Omnisend: Đây là công cụ vô cùng thú vị kết hợp chức năng thương mại điện tử, cho phép người dùng có thể chọn sản phẩm để đưa vào email gửi đến khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại. Công cụ này cũng có thể thiết lập hoạt động tiếp thị qua email dựa trên các yếu tố kích hoạt hành vi và mức độ tương tác của khách hàng.
Marketing project management tools
Chức năng chính của bộ phận Marketing chính là chịu trách nhiệm lập kế hoạch, quản lý và đánh giá các dự án, chiến dịch trong suốt cả năm và số lượng task công việc khá nhiều. Chính vì thế các công cụ quản lý dự án sẽ giúp các quản lý có thể dễ dàng tổ chức, giao tiếp và thực hiện các chiến dịch từ tổng thể đến chi tiết.
Dưới đây là 2 nền tảng quản lý dự án kỳ cựu được nhiều người tin dùng trong suốt nhiều năm qua
- Wrike: Đây là nền tảng cho phép người quản lý có được cái nhìn 360 độ về các chiến dịch và theo dõi dự án trong thời gian thực. Nền tảng có tích hợp tính năng biểu đồ Gantt chỉ bằng một cú nhấp chuột bạn đã có thể có được mẫu theo dõi công việc dự án nhanh chóng cũng như gắn các tài liệu liên quan. Nó cũng dễ dàng để chia sẻ cho các nhóm cộng tác.
- Trello: Cho phép các nhóm cộng tác với nhau và hiển thị các dự án ở chế độ xem theo dạng bảng, dễ dàng phân công công việc cho thành viên trong nhóm. Tương tự như bảng Kanban, Trello cũng hiển thị ai đang thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm hiện tại.
Team collaboration and communication tools
Đặc trưng của bộ phận Marketing đó là nhịp độ công việc nhanh đòi hỏi các công cụ giao tiếp phải tiện lợi nhanh chóng. Nhóm những công cụ này sẽ giúp cho quá trình động não, lập kế hoạch tương tác giữa các nhóm với nhau được liền mạch, kịp thời và hiệu quả. Những phần mềm cũng giúp cho các nhóm có thể làm việc từ xa một cách dễ dàng.
Dưới đây là 3 bộ công cụ tốt nhất hiện nay cho việc này
- Slack: Đây là một nền tảng nhắn tin khá hữu ích, cho phép người dùng có thể giao tiếp không đồng bộ hoặc theo thời gian thực. Các thành viên trong bộ phận Marketing có thể tạo kênh cho những người dùng cụ thể dựa vào các đặc trưng công việc cụ thể. Có thể là các dự án chung, hoặc các nhóm công việc riêng lẻ như sản phẩm mới ra mắt hay cải tiến website.
- Zoom: Đây là một ứng dụng đã quá quen thuộc rồi, không ai có thể ngờ rằng Zoom sẽ trở thành một trong những cái tên được nhiều người biết đến nhất vì đại dịch toàn cầu. Zoom cho phép mọi người trò chuyện video với nhiều người, giúp các nhóm có thể dễ dàng cộng tác với nhau ở bất kỳ nơi nào có kết nối mạng.
- G-Suite: Đối là bộ công cụ quá tuyệt vời và quen thuộc với nhiều người, nó cho phép người dùng có thể chia sẻ truy cập tài liệu ở khắp mọi nơi. G-Suite là nền tảng mà bất cứ bộ phận tiếp thị nào cũng phải có trong nền tảng MarTech của mình. Người dùng có thể tạo ra nhiều loại tài liệu, từ bản trình chiếu cho đến tài liệu word tiêu chuẩn, chia sẻ chúng với các thành viên trong nhóm và sử dụng chức năng nhận xét hoặc theo dõi các thay đổi để cộng tác hiệu quả hơn.
Analytics tools
Nếu không có các công cụ phân tích, các nhà tiếp thị sẽ không thể nhận ra được chiến dịch marketing nào của mình hoạt động hiệu quả, cái nào không. Các công cụ phân tích sẽ giúp các nhà tiếp thị hiểu được mức độ thành công của chiến dịch thông qua phân tích lưu lượng truy cập trang web, số lượt xem trang, lượt nhấp, …
Dưới đây là các công cụ phân tích ngon bổ rẻ mà bạn nhất định phải tận dụng
- Google Analytics: Nổi tiếng với khả năng phân tích sâu sát, được sử dụng rộng rãi quan trọng là miễn phí nữa. Chỉ với việc đặt một đoạn mã vào trang web của mình là bạn đã có thể sử dụng Google Analytics là đã có thể theo dõi lưu lượng truy cập trang web, ngoài ra còn có thể biết được hành trình mua hàng của khách hàng khi họ truy cập vào website của bạn nữa.
- BuzzSumo: Đây là một công cụ phân tích khác có tính năng đặc biệt đó là cho phép bạn tìm kiếm dữ liệu về mức độ phổ biến của nội dung được chia sẻ liên quan đến từ khóa trên các trang web và kênh truyền thông mạng xã hội. Điều này làm cho nó trở thành một công cụ nghiên cứu có giá trị giúp bạn lập kế hoạch và tạo nội dung có thể chia sẻ.
- MixPanel: Đây là một nền tảng đưa phân tích lên một cấp độ khác. Nền tảng ngoài việc cho phép bạn theo dõi hành vi của người dùng đối với trang web cũng như sản phẩm của bạn, với MixPanel bạn cũng có thể tạo thử nghiệm nhiều sản phẩm, các thông điệp khác nhau và thậm chí tùy chọn các sản phẩm cho những người dùng khác nhau.
Cách lựa chọn các công cụ, phần mềm, giải pháp công nghệ Marketing cho doanh nghiệp
Việc lựa chọn phần mềm tiếp thị cho doanh nghiệp của bạn có thể là một thách thức đầy khó khăn. Mỗi một CMO (Giám đốc tiếp thị) sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau khi đưa ra quyết định chọn công cụ nào đó. Dưới đây là một vài gợi ý nhỏ để giúp bạn đưa ra các quyết định dễ dàng hơn.
Hãy cân nhắc kỹ các yếu tố sau:
Budget and ongoing costs (Ngân sách và chi phí sử dụng hàng tháng): Quy mô ngân sách của bạn và tỷ lệ phần trăm trong ngân sách mà doanh nghiệp của bạn có thể dành cho việc xây dựng nền tảng MarTech sẽ quyết định chính yếu đến số lượng công cụ tiếp thị mà nhóm bạn có thể sử dụng. Nó cũng xác định liệu bạn có thể sử dụng các tùy chọn trả phí hay không khi các dịch vụ miễn phí không còn phù hợp nữa. Điều quan trọng nữa là phải xem xét chi phí hàng tháng của các công cụ tiếp thị và dự đoán mức phí sẽ tăng lên nếu giả sử bạn gia tăng thêm lượng người dùng.
Size of Team (Quy mô nhóm/ số lượng người sử dụng): Quy mô nhóm của bạn cũng sẽ xác định công cụ tiếp thị nào sẽ hoạt động tốt nhất. Một số sẽ chỉ hoạt động đối với một số lượng người dùng nhất định trong khi những công cụ khác có khả năng cho phép các nhóm từ nhiều bộ phận khác nhau tham gia cộng tác với hơn. Phần lớn các phần mềm thường sẽ tăng mức chi phí theo số lượng người sử dụng do đó hãy chú ý điểm này.
Ability to integrate with others (Khả năng kết nối phối hợp với các nền tảng khác): Cần lưu ý là các công cụ tiếp thị có khả năng kết nối được nhau sẽ giúp bạn có thể tận dụng được nhiều dữ liệu hơn qua đó có thể tạo ra nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. Việc các công cụ có thể phối hợp tốt với nhau cũng giúp cho nhóm tiếp thị marketing tiết kiệm tối đa thời gian và năng lượng cho cả nhóm của bạn.
Consider how it works with what you already use (Cân nhắc khả năng phần mềm mới kết nối được với những công cụ hiện đang sử dụng): Nếu nhóm của bạn đã sử dụng một số công cụ tiếp thị, hãy xem xét những công cụ mới nào có thể tương tác với nhóm công nghệ hiện có của bạn. Bạn sẽ cần cân nhắc xem liệu việc tích hợp có thể được thực hiện nội bộ hay không hay liệu bạn có cần phải trả phí để kết hợp các công cụ hiện có của mình hay không.
Look at trends (Để ý xu hướng): Trước khi chọn mua một công cụ phần mềm giải pháp công nghệ nào đó điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ về các công cụ tiếp thị và xu hướng nào đang diễn ra. Quan trọng là cân nhắc khi sử dụng nó phối hợp trong một giải pháp tổng thể hơn là đơn lẻ.
Test out first (ưu tiên việc dùng thử): Việc dùng thử các công cụ hoặc phần mềm tiếp thị trước khi mua hàng hay cam kết triển khai dịch vụ cho toàn bộ phận của bạn là rất quan trọng. Bạn nên đăng ký dùng thử miễn phí để xác định xem nó có đáp ứng được nhu cầu tiếp thị của bạn hay không.
Và như vậy chúng ta đã đi qua những điểm chính yếu giúp bạn có thể chọn lựa các công cụ tiếp thị để đưa vào nền tảng MarTech của mình. Chúc bạn thành công trong việc ứng dụng MarTech và nhận về những giá trị to lớn mà nền tảng này mang lại cho bạn trong việc phát triển kinh doanh dài lâu và bền vững bạn nhé.