Tác phẩm “Salvator Mundi” đã từng được bán với mức giá kỷ lục 450 triệu USD, nhưng vị trí chính xác của bức tranh này vẫn còn là một điều bí ẩn.
Được vẽ bởi Leonardo da Vinci vào khoảng năm 1500, “Salvator Mundi” đã trở thành một trong những kiệt tác nổi tiếng nhất của ông. Vào năm 2017, tại một buổi đấu giá do Christie’s tổ chức ở New York, bức tranh này đã lập kỷ lục thế giới khi được bán với giá 450 triệu USD, khiến nó trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất từng được giao dịch.
Người mua bức tranh này là Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, nhưng danh tính của ông chỉ được tiết lộ sau khi cuộc đấu giá kết thúc. Kể từ đó, “Salvator Mundi” đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng. Lúc đấu giá, Christie’s thông báo rằng bức tranh sẽ được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Abu Dhabi, nhưng điều này chưa từng xảy ra.
Giá trị của “Salvator Mundi” còn tăng cao do bức tranh đã bị thất lạc trong suốt 200 năm trước khi được phát hiện lại vào năm 2005 trong tình trạng hư hỏng nặng cần được phục chế. Hai nhà sưu tầm tại New York đã mua lại bức tranh với giá 1.175 USD tại một cuộc đấu giá nhỏ ở New Orleans, sau đó đưa đến chuyên gia phục chế nổi tiếng Dianne Modestini. Khi loại bỏ các lớp bụi bẩn đã tích tụ hàng thế kỷ, bà phát hiện ra đây có thể là một tác phẩm của Leonardo.
Gần đây, BBC đưa tin rằng “Salvator Mundi” hiện đang được cất giữ tại Geneva, Thụy Sĩ. Bernard Haykel, một người bạn của Thái tử và Giáo sư Nghiên cứu Cận Đông tại Đại học Princeton, cho biết mặc dù có nhiều tin đồn rằng bức tranh được treo trên du thuyền hoặc trong cung điện của Thái tử, nhưng thực tế bức tranh này đang được lưu trữ ở Thụy Sĩ.
Haykel tiết lộ rằng Mohammed bin Salman có ý định trưng bày kiệt tác này trong một bảo tàng ở Riyadh mà ông đang lên kế hoạch xây dựng. Ông nói: “Tôi muốn xây dựng một bảo tàng lớn tại Riyadh và đặt một tác phẩm có thể thu hút sự chú ý của công chúng, giống như bức Mona Lisa.”
Việc Mohammed bin Salman mua bức tranh vào năm 2017 thể hiện tầm nhìn và sự dám nghĩ dám làm của ông.
Đáng chú ý, Hartwig Fischer, cựu Giám đốc Bảo tàng Anh, người đã từ chức sau vụ bê bối trộm cắp, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng lập của một bảo tàng văn hóa thế giới mới tại Riyadh, dự kiến mở cửa vào năm 2026. Liệu đây có phải là nơi “Salvator Mundi” sẽ được trưng bày? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.