Giữa những cồn cát nóng bỏng của sa mạc Australia, thằn lằn quỷ gai (Moloch horridus) đã phát triển những kỹ năng sinh tồn đầy bất ngờ. Dù chỉ dài khoảng 20 cm, loài thằn lằn này không chỉ tự hào với ngoại hình gai góc mà còn sở hữu hàng loạt chiến thuật tự vệ độc đáo để đối phó với những kẻ săn mồi.
Bí ẩn đầu giả và bước đi kỳ lạ
Thằn lằn quỷ gai có một “vũ khí bí mật” đặc biệt: chiếc đầu giả nằm ngay sau cổ. Khi cảm thấy bị đe dọa, chúng nhanh chóng nép đầu thật vào giữa hai chân trước, để lộ đầu giả ra phía ngoài, đánh lạc hướng kẻ săn mồi. Không chỉ dừng lại ở đó, toàn bộ cơ thể của chúng được bao phủ bởi những chiếc gai sắc nhọn, cứng cáp như gai hoa hồng, khiến kẻ thù phải ngần ngại vì sợ bị thương khi tấn công.
Nếu chiến thuật này vẫn chưa đủ hiệu quả, thằn lằn quỷ gai còn có thể phình to phần ngực, trông lớn hơn và đáng sợ hơn. Chúng cũng sử dụng một kiểu di chuyển vô cùng khác thường: bước đi chậm chạp, giật giật, khiến kẻ săn mồi bị rối trí. Bước đi này giúp chúng giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện, vì những động vật săn mồi thường phản ứng mạnh với những chuyển động nhanh của con mồi.
Sự thích nghi hoàn hảo trong môi trường khắc nghiệt
Không chỉ nổi bật với cách phòng thủ thông minh, thằn lằn quỷ gai còn chứng minh khả năng thích nghi phi thường với khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Trong những điều kiện thời tiết cực đoan, chúng có thể chui xuống dưới cát để tránh cái nắng gay gắt của Mặt Trời.
Điều kỳ diệu hơn là chúng có thể hút nước từ cát qua những rãnh đặc biệt trên da. Các rãnh này dẫn nước từ cát lên miệng như một chiếc ống hút tự nhiên, giúp chúng duy trì đủ nước ngay cả khi nguồn nước khan hiếm.
Thằn lằn quỷ gai còn biết cách “chơi đùa” với màu sắc của mình để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Khi sáng sớm mát mẻ, chúng có màu nâu sẫm, hấp thu nhiều nhiệt hơn. Khi nhiệt độ lên cao, chúng chuyển sang màu vàng nhạt để phản xạ ánh nắng Mặt Trời, ngăn ngừa quá nhiệt. Đặc biệt, chúng còn thay đổi màu sắc để ngụy trang, tránh bị phát hiện bởi kẻ thù.
Câu chuyện về một loài thằn lằn độc đáo
Thằn lằn quỷ gai lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu thế giới vào năm 1840 khi nhà tự nhiên học John Gould mang chúng đến London triển lãm. Chỉ một năm sau đó, nhà động vật học John Gray đã đặt cho chúng cái tên khoa học đầy ấn tượng: Moloch horridus.
Dù mang cái tên “quỷ”, thực tế, thằn lằn quỷ gai lại hoàn toàn vô hại với con người. Chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái sa mạc khi tiêu thụ hàng nghìn con kiến mỗi ngày bằng chiếc lưỡi dính và hàm răng chắc khỏe của mình.
Thằn lằn quỷ gai – những “chiến binh” nhỏ bé giữa lòng sa mạc Australia – không chỉ là một minh chứng cho sự sáng tạo của tự nhiên mà còn là biểu tượng của sự kiên cường, thích nghi và khả năng sống sót tuyệt vời giữa những điều kiện khắc nghiệt nhất trên Trái Đất.