Các nhà khoa học tại Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ Lausanne (EPFL) vừa phát triển một loại chip siêu nhỏ có khả năng đọc suy nghĩ và chuyển đổi chúng thành văn bản, mở ra cơ hội mới cho những người gặp khó khăn trong việc vận động.
Trong khi dự án chip Neuralink của Elon Musk đang thu hút sự chú ý toàn cầu, một chip khác, nhỏ gọn và tiên tiến hơn, đã được công bố bởi nhóm nghiên cứu tại EPFL. Thiết bị này có tên gọi MiBMI (Micro Brain-Machine Interface), chỉ nhỏ gọn với kích thước 8 mm² và được chế tạo để đọc tín hiệu từ não và chuyển đổi chúng thành văn bản trên màn hình, theo thông tin từ New Atlas ngày 30/8. Nghiên cứu chi tiết đã được công bố trên tạp chí IEEE Journal of Solid-State Circuits.
Chip MiBMI vượt trội ở kích thước siêu nhỏ, gồm hai thành phần chip siêu mỏng. So với chip Neuralink có kích thước 23 x 8 mm và yêu cầu cấy ghép với 64 điện cực, MiBMI nhẹ nhàng hơn nhiều. Nó không chỉ tiêu thụ rất ít năng lượng mà còn có khả năng xử lý dữ liệu theo thời gian thực với độ chính xác cao, mang đến một giải pháp ít xâm lấn hơn so với các thiết bị hiện tại.
Giải thích về khả năng của MiBMI, Mahsa Shoaran, trưởng Phòng thí nghiệm Công nghệ Thần kinh Tích hợp tại EPFL, cho biết: “MiBMI có thể chuyển đổi các hoạt động thần kinh phức tạp thành văn bản với độ chính xác cao và mức tiêu thụ năng lượng thấp. Đây là bước tiến gần hơn tới các giải pháp cấy ghép thực tế, giúp cải thiện khả năng giao tiếp cho những người khuyết tật vận động nghiêm trọng.”
Giống như các giao diện não – máy khác, MiBMI theo dõi hoạt động điện trong não và chuyển đổi chúng thành các sản phẩm đầu ra có ý nghĩa. Chip này đặc biệt có thể nhận diện tín hiệu não khi một người tưởng tượng mình đang viết chữ cái và biến chúng thành văn bản.
Dù chưa được thử nghiệm trên người, MiBMI đã chứng tỏ khả năng xử lý vượt trội qua các thử nghiệm mô phỏng. Nhờ dữ liệu thần kinh thời gian thực từ những nghiên cứu trước, MiBMI đạt độ chính xác lên đến 91% trong việc chuyển đổi tín hiệu não thành văn bản.
MiBMI mở ra nhiều triển vọng ứng dụng, đặc biệt là giúp đỡ những người không thể nói hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp, như bệnh nhân xơ cứng teo cơ một bên (ALS) hay các bệnh nhân bị liệt nặng. Nhóm nghiên cứu tại EPFL đang mở rộng ứng dụng của chip này sang các lĩnh vực khác, bao gồm giải mã lời nói và điều khiển chuyển động.
“Chúng tôi hiện đang hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu khác để thử nghiệm MiBMI trong nhiều bối cảnh khác nhau, từ giải mã lời nói đến kiểm soát chuyển động,” Shoaran nói thêm. “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển một giao diện não – máy đa năng, có thể thích nghi với nhiều loại rối loạn thần kinh, mang lại thêm nhiều giải pháp hỗ trợ cho bệnh nhân.”