Tại Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam” diễn ra ngày 8/7 ở Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần một nền tảng xác thực quốc gia để chống hàng giả hiệu quả, thay vì các giải pháp manh mún hiện nay.
Theo Bộ Công an, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả, với tổng số tiền xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Đáng lo ngại nhất là hàng giả xuất hiện nhiều trong nhóm thực phẩm, dược phẩm, trực tiếp đe dọa sức khỏe người dân.
“Hàng giả là vấn nạn từ siêu thị đến bệnh viện, gây hoang mang cho người tiêu dùng,” Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, nhấn mạnh.
Công nghệ blockchain được kỳ vọng
Nguyên nhân chính khiến hàng giả vẫn tồn tại, theo các chuyên gia, là do thiếu hệ thống xác thực thống nhất, dữ liệu còn rời rạc, mã định danh sản phẩm chưa chuẩn hóa trên toàn quốc.
Giải pháp được nhấn mạnh là ứng dụng blockchain để tạo “hộ chiếu số” cho từng sản phẩm, theo dõi hành trình từ nguyên liệu tới tay người tiêu dùng, giúp truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch.
“Triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ tiên tiến như blockchain sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ thị trường,” Đại tá Tiến cho biết.
Ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia, cho biết hàng giả hiện tồn tại dưới ba hình thức chính: giả thương hiệu, giả chất lượng, giả xuất xứ. Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã xử lý tới 47.000 vụ việc liên quan hàng giả.
Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, châu Âu đã mã hóa định danh toàn chuỗi sản xuất, tạo ra “hộ chiếu số” cho sản phẩm, giúp xây dựng uy tín thương hiệu và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế.
“Đây chính là hộ chiếu số cho sản phẩm, giúp hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu,” ông Chính nói.
Doanh nghiệp muốn hệ thống đồng bộ
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải tự phát triển giải pháp chống hàng giả, như in QR code để kiểm tra sản phẩm. Tuy nhiên, các hệ thống này rời rạc, tốn kém và thiếu liên thông với dữ liệu quốc gia.
“Hàng giả phức tạp như ma trận, khiến doanh nghiệp phải đưa ra nhiều biện pháp khác nhau. Chúng tôi rất mong có nền tảng xác thực cấp quốc gia, để người tiêu dùng có thể kiểm tra sản phẩm ngay tại điểm bán,” ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ Eco Pharma, chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia, cho rằng nền tảng xác thực quốc gia là điều bắt buộc trong bối cảnh chuyển đổi số.
“Chỉ có hệ thống đồng bộ từ trung ương tới địa phương, áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, mới giúp định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa hiệu quả,” ông Huy nói.
Hiện Việt Nam đã ban hành 35 tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, nhưng các chuyên gia nhận định những tiêu chuẩn này vẫn cần triển khai sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng thực tế để phát huy hiệu quả trong chống hàng giả.