Giấc mơ hồi sinh những sinh vật đã tuyệt chủng tiếp tục được nuôi dưỡng khi Colossal Biosciences, công ty công nghệ sinh học của Mỹ, vừa công bố kế hoạch đưa chim moa khổng lồ Đảo Nam (Dinornis robustus) trở lại cuộc sống. Loài chim này từng tung hoành khắp New Zealand trước khi biến mất cách đây hơn 6 thế kỷ.
Theo thông tin từ Live Science, chim moa từng cao tới 3,6 mét và nặng khoảng 230 kg, được mệnh danh là loài lớn nhất trong số 9 loài moa đã biết. Toàn bộ họ chim moa đều bị tuyệt chủng vì nạn săn bắt của con người.
Trong thông báo ngày 8/7, đại diện Colossal cho biết họ đang phối hợp với các nhà khoa học và cộng đồng bản địa New Zealand, đặt mục tiêu hồi sinh chim moa khổng lồ trong vòng 10 năm tới.
Beth Shapiro, Giám đốc Khoa học của Colossal, khẳng định: “Chúng tôi muốn không chỉ hồi sinh moa, mà còn đưa chúng trở lại với môi trường tự nhiên.”
Kế hoạch hồi sinh moa
Kế hoạch này dựa trên việc chiết xuất ADN từ xương còn sót lại của các loài moa để phân tích và đối chiếu với ADN của những loài chim còn tồn tại, như đà điểu emu hay chim tinamou, vốn là họ hàng gần nhất của moa.
Sau khi xác định được các đoạn gene quan trọng, nhóm nghiên cứu dự định chỉnh sửa hệ gene của emu hoặc tinamou để mang những đặc điểm đặc trưng của chim moa. Những tế bào biến đổi gene này sẽ được cấy vào phôi của emu hoặc tinamou, rồi nuôi dưỡng trong cơ thể các cá thể mang thai hộ.
Tuy nhiên, Colossal khẳng định những con moa mới được tạo ra sẽ không được thả tự do mà sẽ sống trong khu bảo tồn có kiểm soát, để tránh ảnh hưởng xấu tới môi trường hay con người.
Theo công ty, quá trình hồi sinh moa không chỉ dừng lại ở việc đưa một loài chim khổng lồ trở lại, mà còn có thể mở ra cơ hội phát triển công nghệ trứng nhân tạo, giúp ích cho công tác bảo tồn những loài chim đang trên bờ tuyệt chủng.
Vấp phải tranh cãi
Tuy nhiên, dự án này lập tức vấp phải không ít chỉ trích. Giáo sư Philip Seddon, chuyên gia động vật học tại Đại học Otago, New Zealand, nhấn mạnh:
“Không có bất kỳ kỹ thuật nào hiện nay có thể hoàn toàn khôi phục một loài đã biến mất, nhất là loài đã không còn tồn tại trong hệ sinh thái và tiến hóa suốt hàng trăm năm.”
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những con chim được tạo ra sẽ chỉ là sinh vật lai, chứ không phải moa thực thụ, và việc gọi đó là “hồi sinh” là không chính xác.
Trước chim moa, Colossal từng khiến dư luận xôn xao với những tuyên bố về hồi sinh sói trắng (Aenocyon dirus) – loài săn mồi tuyệt chủng từ kỷ băng hà hơn 10.000 năm trước. Nhưng thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng sản phẩm của dự án chỉ là sói xám được chỉnh sửa gen để trông giống sói trắng.
Colossal cũng đang đặt mục tiêu hồi sinh các loài nổi tiếng khác như voi ma mút lông xoắn, chim dodo và hổ Tasmania. Mặc dù vậy, giới khoa học vẫn còn rất thận trọng với những dự án “hồi sinh” này, bởi chúng đặt ra vô vàn câu hỏi về đạo đức và tác động sinh thái.
Dẫu còn nhiều tranh cãi, tham vọng của Colossal một lần nữa thổi bùng trí tưởng tượng của công chúng về một thế giới nơi những sinh vật khổng lồ từng biến mất có thể một ngày nào đó quay trở lại.