Hiện nay, có hơn 20.000 loài ong trên thế giới, nhưng dữ liệu về sự phân bố của chúng vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Để khắc phục điều này, nhóm nghiên cứu đã kết hợp danh sách đầy đủ về các loài ong cùng với khoảng sáu triệu bản ghi công khai về loài côn trùng này để tạo ra bản đồ mô tả các khu vực có sự đa dạng ong cao nhất.
Kết quả cho thấy, các khu vực thuộc bán cầu Bắc có sự đa dạng ong cao hơn so với bán cầu Nam. Ngoài ra, những môi trường khô cằn và ôn đới lại có số lượng ong nhiều hơn so với vùng nhiệt đới.
Phân tích cũng cho thấy rừng là môi trường có ít loài ong hơn so với các vùng khô hạn và sa mạc. Nguyên nhân là do cây cối cung cấp ít nguồn dinh dưỡng cho loài ong và không tạo ra đủ nơi trú ẩn hoặc kiếm ăn cho chúng.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology, các yếu tố như khí hậu khô hạn, bức xạ mặt trời và năng suất sinh học của thảm thực vật ngoài rừng là những nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy sự đa dạng sinh học của loài ong trên toàn cầu.
Alice Hughes, tác giả chính của bài báo và là nhà nghiên cứu tại Vườn Thực vật Nhiệt đới Xishuangbanna thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết các dữ liệu công khai về loài ong vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin nền tảng và phân tích quan trọng cho các công trình nghiên cứu về sự đa dạng của ong trong tương lai.