Không có sự xuất hiện của những cái tên “hút fan” như Kaito Kid hay Hattori Heiji, Dư ảnh của độc nhãn vẫn khiến khán giả đổ xô đến rạp. Ngay trong tuần đầu tại Nhật Bản, phim đạt doanh thu 3,4 tỷ yên, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó của thương hiệu. Tính đến giữa tháng 7, con số này đã vượt mốc 14,4 tỷ yên – một cột mốc gần chạm đỉnh của toàn series.
Tại Việt Nam, tác phẩm cũng chứng minh sức nóng khủng khiếp khi thu về hơn 40 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 48 giờ chiếu sớm. Những hàng dài người xem xếp hàng, vé đặt trước tăng vọt là minh chứng rõ rệt cho sức ảnh hưởng chưa hề giảm sút của chàng thám tử nhí sau gần 30 năm gắn bó với khán giả.
Lần này, thay vì dồn trọng tâm vào Conan, phim lại xoáy sâu vào nhân vật Yamato Kansuke – thanh tra tỉnh Nagano từng chỉ đóng vai phụ trong các phần trước. Sau một vụ việc bí ẩn khiến anh mù một bên mắt, Yamato bị cuốn vào chuỗi án mạng liên hoàn đầy phức tạp. Mỗi bước điều tra là một lần anh đối diện với quá khứ, với sự thật chưa được phơi bày về vụ tai nạn tưởng chừng đã ngủ yên.
Đặc biệt, “ông bác râu kẽm” Mori Kogoro – thường xuyên gây cười và làm nền cho Conan – lần đầu tiên trở thành người chủ động dẫn dắt điều tra. Không còn là người ngủ gật vô tình “phá án”, Mori cho thấy một phiên bản nghiêm túc, thấu cảm và đáng tin cậy hơn, khi nỗi đau mất bạn thân trở thành động lực để ông tìm ra kẻ thủ ác.
Phim ghi điểm nhờ không khí trinh thám đúng chất: những đoạn hồi tưởng, tâm lý nặng nề, nhịp điều tra lớp lang được xây dựng chặt chẽ, logic. Tuy vậy, một số điểm trừ vẫn tồn tại như dàn nhân vật phụ hơi đông gây loãng, vài pha hành động hơi “lố tay” ở hồi kết khiến khán giả khó cảm thấy thuyết phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, xét tổng thể, Dư ảnh của độc nhãn là một bước tiến rõ rệt về chất lượng nội dung. Phim tập trung vào khai thác chiều sâu nhân vật và cảm xúc thay vì “fan-service” đơn thuần. Đây là hướng đi được người hâm mộ lẫn giới phê bình đánh giá cao.
Không thể bỏ qua vai trò của chiến lược marketing. Từ các chiến dịch kết hợp Universal Studios, quảng bá quy mô tại hệ thống tàu điện Nhật Bản, cho đến việc biến đài quan sát Nobeyama – bối cảnh chính trong phim – thành điểm đến du lịch hút khách, tất cả góp phần đưa hình ảnh Conan phủ sóng rộng rãi như chưa từng có.
Phần phim này không chỉ là minh chứng cho sự bền bỉ của một thương hiệu anime lâu đời, mà còn là dấu hiệu cho thấy dòng phim hoạt hình trinh thám vẫn có thể sống tốt và phát triển trong bối cảnh điện ảnh toàn cầu đang thay đổi. Conan không còn là chuyện của riêng một thế hệ, mà đã trở thành biểu tượng vượt thời gian, tiếp tục truyền cảm hứng cho khán giả ở mọi lứa tuổi.