Một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Astronomy đã làm nóng lại đề tài biến đổi sao Hỏa (terraforming) – biến hành tinh này thành nơi con người có thể sinh sống. Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Pioneer Research Labs và Đại học Chicago thực hiện.
Nina Lanza, nhà khoa học hành tinh ở Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, cho biết từ năm 1991 đến nay chưa ai nghiên cứu sâu xem việc terraforming sao Hỏa có thực sự khả thi hay không. Nhưng nay, nhờ những bước tiến lớn trong khoa học khí hậu, sinh học, công nghệ không gian, các nhà nghiên cứu cho rằng đã đến lúc nhìn lại vấn đề một cách nghiêm túc.
Kế hoạch được đề xuất gồm ba bước chính. Trước hết là làm ấm bầu khí quyển sao Hỏa. Khi nhiệt độ đủ cao, các nhà khoa học có thể đưa những vi khuẩn được thiết kế đặc biệt lên hành tinh này để tạo ra oxy qua quang hợp. Cuối cùng, lượng oxy tích tụ dần có thể giữ nước lỏng trên bề mặt, mở đường cho sự sống phức tạp hơn.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, trước khi tiến hành bất cứ kế hoạch lớn nào, nhân loại phải tính đến chi phí, rủi ro và cả vấn đề đạo đức – liệu có nên biến sao Hỏa thành nơi ở hay giữ nó nguyên vẹn như một “vùng hoang sơ”.
Nghiên cứu cũng phân tích các nguồn tài nguyên sẵn có trên sao Hỏa như băng nước, khí CO₂ và đất. Các phương án để tăng nhiệt độ toàn cầu của sao Hỏa bao gồm hấp thụ nhiều ánh sáng Mặt Trời hơn hoặc giải phóng khí nhà kính để giữ nhiệt lâu hơn.
Các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu về biến đổi sao Hỏa không chỉ giúp cho các sứ mệnh không gian tương lai, mà còn mang lại lợi ích ngay cho Trái Đất, ví dụ như công nghệ cải tạo đất, cây trồng chịu hạn hay các mô hình dự báo hệ sinh thái tốt hơn.
Họ kết luận: “Chúng ta còn chưa biết hết những gì có thể thực hiện được về mặt vật lý và sinh học. Nếu con người học được cách biến đổi một hành tinh như sao Hỏa, đó có thể là bước đệm đầu tiên để chinh phục những thế giới xa hơn trong vũ trụ.”