Việc Duolingo cắt giảm nhân sự để nhường chỗ cho AI không chỉ là một quyết định kinh doanh, mà còn là tín hiệu cho thấy thị trường lao động văn phòng đang đối mặt với biến động lớn khi công nghệ trí tuệ nhân tạo lên ngôi.
Duolingo – ứng dụng học ngoại ngữ quen thuộc với hàng triệu người dùng – vừa khiến giới công nghệ chú ý khi tuyên bố sẽ chuyển mình thành một công ty “AI-first”, tức đặt AI làm trung tâm trong chiến lược phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều vị trí nhân sự hợp đồng sẽ bị thay thế bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Nhà báo Brian Merchant đã gọi đây là bằng chứng cho thấy “khủng hoảng việc làm vì AI không còn là chuyện tương lai, mà là thực tế hiện hữu”. Ông dẫn lời một cựu nhân viên hợp đồng của Duolingo cho biết công ty đã âm thầm cắt giảm nhân sự từ cuối năm 2023, bắt đầu với đội ngũ biên dịch, sau đó là các cây viết nội dung trong năm 2024 – tất cả đều bị thay thế bởi AI.
Không chỉ riêng Duolingo, xu hướng này đang lan rộng. Theo The Atlantic, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm sinh viên mới tốt nghiệp đang tăng cao bất thường. Một phần nguyên nhân là do các công ty đang dần chuyển sang sử dụng AI cho những công việc đầu vào, vốn trước đây dành cho lao động trẻ hoặc nhân sự mới.
Brian Merchant cho rằng đây không hẳn là “khủng hoảng AI” theo kiểu robot chiếm quyền – mà là kết quả của loạt quyết định từ ban lãnh đạo các công ty muốn cắt giảm nhân công, tối ưu chi phí, và giữ quyền kiểm soát cao hơn. Những ngành sáng tạo như viết lách, vẽ minh họa hay dịch thuật đang bị ảnh hưởng nặng nề.
“Đây không phải là viễn cảnh giả tưởng,” ông viết, “mà là hiện thực nơi hàng chục nghìn người mất việc vì các công ty tuyên bố đi theo chiến lược AI toàn diện.”