Trong suốt nhiều năm, nhiều người cho rằng thớt nhựa sạch hơn thớt gỗ, dễ vệ sinh và không thấm nước nên ít chứa vi khuẩn. Tuy nhiên, nghiên cứu của giáo sư Dean Cliver, chuyên gia vi sinh vật thực phẩm tại Đại học California Davis, lại hé lộ điều ngược lại: thớt gỗ có thể ít vi khuẩn hơn thớt nhựa, nếu được sử dụng và bảo quản đúng cách.
Thớt – “ngôi nhà” của vi khuẩn nếu không được vệ sinh kỹ
Thớt nhựa có ưu điểm là dễ vệ sinh và có thể bỏ vào máy rửa chén. Tuy nhiên, bề mặt nhựa lại dễ bị trầy xước sau nhiều lần cắt, tạo ra các khe rãnh nhỏ lý tưởng cho vi khuẩn cư trú và sinh sôi.
Ngược lại, gỗ cứng hơn nhựa, khó bị trầy xước hơn. Và điều bất ngờ là chính tính chất xốp và hút nước của gỗ – tưởng như là điểm trừ – lại giúp giữ cho bề mặt thớt gỗ sạch hơn.
Nghiên cứu công bố năm 1994 của Cliver và cộng sự cho thấy khi bề mặt thớt gỗ bị vi khuẩn xâm nhập, chúng bị hút vào sâu bên trong và khó quay trở lại bề mặt – nơi chúng có thể lây lan sang thực phẩm. Sau một thời gian, vi khuẩn bên trong gỗ sẽ chết vì không có điều kiện phát triển.
Loại gỗ và cách xử lý bề mặt cũng quan trọng
Theo một nghiên cứu khác vào năm 2023, các loại gỗ như sồi đỏ, sồi trắng và dẻ châu Âu có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn khác nhau như Listeria và Salmonella. Tuy nhiên, các thớt gỗ được xử lý bằng dầu lanh hoặc dầu khoáng lại giảm khả năng hấp thụ vi khuẩn, khiến nhiều vi khuẩn vẫn tồn tại trên bề mặt sau 24 giờ. Do đó, thớt gỗ chưa xử lý lại có khả năng kháng khuẩn tốt hơn.
Thớt nhựa và nguy cơ vi nhựa trong thực phẩm
Ngoài khả năng chứa vi khuẩn, thớt nhựa còn có nguy cơ phát sinh vi nhựa – những mảnh nhựa siêu nhỏ có thể bị bong ra trong quá trình thái cắt và đi vào thức ăn. Dù hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của vi nhựa từ thớt đến sức khỏe, nhưng một số nghiên cứu đã cảnh báo về sự hiện diện đáng kể của vi nhựa trong thực phẩm qua thớt nhựa.
Vệ sinh là yếu tố then chốt
Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Janet Buffer từ Đại học George Washington, việc lựa chọn loại thớt không quan trọng bằng cách sử dụng và vệ sinh thớt:
- Luôn rửa sạch thớt bằng nước nóng và xà phòng sau mỗi lần sử dụng.
- Khử trùng thớt bằng dung dịch pha loãng gồm 1 muỗng cà phê thuốc tẩy (bleach) với 2 cốc nước.
- Không dùng chung thớt cho thịt sống và rau củ, để tránh lây nhiễm chéo.
Buffer cũng lưu ý rằng người ăn chay cũng cần cẩn trọng, vì rau sống – đặc biệt là rau lá xanh – cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu thớt không được làm sạch đúng cách.