Trong bối cảnh công nghệ ngày càng chiếm lĩnh đời sống hằng ngày, một nghiên cứu mới đã mang đến cái nhìn khác biệt: người lớn tuổi sử dụng công nghệ thường xuyên có thể giữ được sự minh mẫn lâu hơn, hạn chế hội chứng suy giảm trí nhớ.
Công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behaviour, tổng hợp dữ liệu từ 57 nghiên cứu với sự tham gia của hơn 411.000 người lớn trên khắp thế giới. Độ tuổi trung bình của người tham gia gần 69 tuổi.
Nhóm tác giả từ Đại học Texas ở Austin và Đại học Baylor phát hiện rằng việc sử dụng liên tục các thiết bị công nghệ – như điện thoại thông minh, máy tính và internet – có liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức thấp hơn ở người từ 50 tuổi trở lên.
Phát hiện này trái ngược với lo ngại phổ biến trước đây rằng việc dùng thiết bị kỹ thuật số hằng ngày có thể khiến trí óc con người “lười vận động”. Thay vào đó, các nhà khoa học cho rằng công nghệ có thể hỗ trợ trí nhớ, khả năng tổ chức công việc và sự kết nối xã hội – những yếu tố có vai trò duy trì chức năng não bộ.
“Phân tích quy mô lớn này đã xem xét hơn 50 nghiên cứu toàn cầu để tìm hiểu mối liên hệ giữa việc dùng công nghệ và khả năng nhận thức,” – Tiến sĩ Leah Mursaleen, Trưởng phòng Nghiên cứu Lâm sàng tại tổ chức Alzheimer’s Research UK, chia sẻ.
Bà cho biết nghiên cứu này đã thách thức các kết luận trước đó vốn lo ngại công nghệ làm suy giảm trí nhớ, và thay vào đó đưa ra khả năng tích cực của công nghệ trong việc bảo vệ não bộ khi chúng ta già đi.
Theo thống kê năm 2020, khoảng 2/3 người Mỹ ở tuổi 70 bắt đầu có dấu hiệu suy giảm nhận thức. Nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ trong suốt cuộc đời là 37% ở phụ nữ và 24% ở nam giới, độ tuổi khởi phát trung bình là 83 đối với nữ và 79 đối với nam.
Dù vậy, bà Mursaleen cũng lưu ý rằng nghiên cứu không bao gồm những đo lường cụ thể về sự thay đổi sinh học trong não, và chưa thể xác định được tác động dài hạn của công nghệ với những người trưởng thành trong thời đại số.
Các yếu tố như tuổi tác, trình độ học vấn, thu nhập, tình trạng sức khỏe và lối sống cũng được kiểm soát trong quá trình phân tích. Kết quả vẫn cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng công nghệ và khả năng duy trì nhận thức tốt hơn.
Một điểm nổi bật khác là nghiên cứu đã kiểm tra các nghiên cứu theo dõi dài hạn, có thời gian theo dõi trung bình hơn 6 năm, và vẫn tìm thấy hiệu ứng tích cực từ việc dùng công nghệ.
Tiến sĩ Davide Bruno, nhà tâm lý học tại Đại học Liverpool John Moores (Anh), cho rằng:
“Dù nghiên cứu rất chất lượng và có kiểm soát nhiều biến số, nhưng sức bền về nhận thức có thể còn do yếu tố di truyền – điều này cũng có thể giải thích tại sao một số người lớn tuổi dễ tiếp cận công nghệ hơn.”
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng chưa xác định được loại hình hoạt động kỹ thuật số nào có lợi nhất cho trí não. Nhưng những kết quả này là tín hiệu tích cực trong thời đại mà công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Khi thế hệ đầu tiên sống trọn đời với công nghệ bắt đầu bước vào tuổi già, nghiên cứu này mở ra một góc nhìn mới: thay vì lo sợ, công nghệ có thể là đồng minh quan trọng giúp bảo vệ trí tuệ và chất lượng sống khi về già.